Cầu Bách Lẫm thông xe ngày 30/6: Rộng dài náo nức niềm vui đôi bờ

YBĐT- Tháng Sáu tưng bừng trong khúc nhạc hân hoan chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2018) cùng sự kiện cầu Bách Lẫm khánh thành, thông xe kỹ thuật. Qua cầu Yên Bái rồi xuôi theo sông Hồng mùa này nước chảy êm đềm, xã Giới Phiên rợp sắc cờ bay.

Cầu Bách Lâm - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh sẽ chính thức thông xe ngày 30/6, chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh. (Ảnh: Thanh Miền)

Nhắc tới cầu Bách Lẫm, ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã Giới Phiên hào hứng: "Chẳng thể diễn tả nổi niềm vui và phấn khởi của người dân địa phương. Không những người dân Giới Phiên mong chờ đã lâu mà người dân Phúc Lộc cũng vậy. Cây cầu sẽ tạo bứt phá lớn đối với sự phát triển toàn diện của xã trong tương lai, trước mắt đến năm 2020 phấn đấu trở thành phường”.

Cứ mãi là một địa phương thuần nông nếu không có một cú huých thay đổi căn bản và cú huých ấy mang tên "cầu Bách Lẫm". Chiều dài chưa đầy nửa cây số nhưng cây cầu dồn góp tuổi đời cùng mong ước của biết bao thế hệ. Dòng họ ông Nguyễn Đức Thân ở thôn 4 có gần 200 năm của 6 thế hệ gắn bó với mảnh đất này.

"Đời chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến một ngày có cầu Bách Lẫm như hôm nay. Có cầu, người dân đi lại thuận tiện hơn, giao thương hàng hóa mạnh mẽ hơn. Thật là mọi bề đều hơn thì cớ sao không mừng vui cho được…” - cảm xúc của ông già 75 tuổi dâng ngập khóe mắt, trong giọng nói, trên gương mặt.

Anh Trần Hưng Lam - Chỉ huy trưởng công trình cầu Bách Lẫm của Công ty Liên danh Trung Chính - Tuấn Lộc đưa chúng tôi lên cầu. Từng tốp công nhân đang khẩn trương vệ sinh mặt cầu để chuẩn bị cho lễ thông xe ngày mai. Ông già Thân mắt đăm đắm dõi sang vị trí bến đò Bách Lẫm nay vẫn còn bụi tre phía bên kia sông. Sáu năm là Bí thư Đảng ủy xã Giới Phiên (1990 - 1996), trong ông trỗi dậy ký ức một thời khó khăn thuở nào. Ông bảo rằng, nhớ ngày xưa thì không quên được nhưng cứ mỗi chiều đứng chái nhà ngó lên cầu, rưng rưng rồi mỉm cười.

Anh Trần Hưng Lam theo công trình cầu Bách Lẫm hơn hai năm nay. Đời người, nghiệp cầu, mỗi cây cầu trong cuộc đời anh đều chứa đựng cảm xúc khác lạ. "Xây dựng cầu Bách Lẫm, chúng tôi gặp địa chất phức tạp, khí hậu khắc nghiệt nhưng người dân Yên Bái hết sức dễ gần, trìu mến vô cùng. Đội ngũ kỹ sư, công nhân của Công ty bằng trách nhiệm và tâm huyết đã mang đến cho Yên Bái một cây cầu có kiểu dáng đẹp với cáp dây văng ở giữa - một dấu ấn đối với sự phát triển của địa phương” - vị Chỉ huy trưởng chia sẻ.
Nếu lấy trụ sở UBND xã Giới Phiên làm tâm của đường tròn để mà quay thì bán kính của xã gần 1,8 km. Tính ra, cây cầu nối gần lại khoảng cách sang trung tâm thành phố Yên Bái, điểm đến ngã ba Cao Lanh chỉ độ 3 km. Vài phút ngồi xe máy nhưng rộng dài khát vọng đã bao đời người. Thế nên, đáng trân trọng và đáng quý lắm! Có chị Vũ Thị Thanh Hiền, người thôn 4 lấy chồng ở Đan Phượng, Hà Nội cùng cậu con trai 16 tuổi về thăm quê đúng dịp này.

Hai mẹ con chị ra đường dẫn ngắm cầu: "Tôi lúc nhỏ qua bến đò Giới Phiên để đi chợ bên kia. Nắng thì phải gồng gánh rau, miến ra tận giữa sông mới có nước để đò sang, còn mưa to quá thì đò lại không qua sông được, cực lắm mà lại nguy hiểm. Có cầu rồi thì đi lúc nào cũng được, bất kể nắng mưa, sớm tối. Nghĩ thế thôi, đã thấy thích!”.

Chị Lê Thị Ngân, nhà ở thôn 3 có 8 thước đất sản xuất nông nghiệp trong phạm vi thu hồi để làm đường dẫn lên cầu. Đất canh tác của gia đình thu hẹp nhưng niềm vui trong chị lớn thêm: "Phục vụ cho các công trình công cộng, phúc lợi xã hội, tôi luôn sẵn lòng. Giờ thấy cầu, ai cũng vui!”. Nhà chị bán lưới đánh bắt cá, tôm ở chợ Hiền Lương, Phú Thọ. Chờ khi cầu thông, chị cũng tính sẽ kinh doanh gì đó, vì nhà rất gần đường dẫn lên cầu.
Phía bên này cầu Bách Lẫm, nhịp sống thành phố sôi động. Người xe qua lại nườm nượp khu ngã ba Cao Lanh. Làm ăn buôn bán bên nước Lào, anh Vũ Minh Quý ở tổ 51B, phường Yên Ninh hơn một năm nay mới về thăm nhà đã không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi diện mạo của thành phố. Anh Quý bày tỏ: "Cầu Bách Lẫm tô điểm cho thành phố thêm một nét đẹp hiện đại, năng động. Điều tôi thích hơn cả là cây cầu đã xóa nhòa khoảng cách trước đây, tạo cảm giác gần gũi. Hy vọng, lần sau trở về tôi sẽ thấy một khu đô thị mới bên sông, Giới Phiên nhanh chóng bắt nhịp phát triển”.
Kết nối hệ thống giao thông thành phố Yên Bái (quốc lộ 37) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Bách Lẫm mở ra cơ hội thông thương, kết nối hạ tầng hai bờ sông Hồng, nối thành phố hiện tại bên tả ngạn sông Hồng với khu đô thị mới là trung tâm của thành phố bên hữu ngạn sông Hồng, mở rộng không gian xây dựng và phát triển đô thị, góp phần đưa thành phố xứng tầm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Yên Bái và sớm trở thành đô thị loại II vào năm 2020 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.

Là trung tâm động lực thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, trong tương lai cầu Bách Lẫm sẽ thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái nói chung và thành phố Yên Bái nói riêng, mở ra điều kiện và lợi thế thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu trung tâm dịch vụ - thương mại, y tế, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu hành chính thành phố và khu công nghiệp tại các xã hữu ngạn sông Hồng thông qua tuyến đường ngang nối quốc lộ 37, tuyến đường Âu Cơ, quốc lộ 32C, cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Hiện nay, thành phố tiếp tục ưu tiên nghiên cứu mở rộng không gian đô thị để phát triển lâu dài, bền vững trên cơ sở định hướng phát triển thành phố hai bên sông, triển khai xây dựng Đề án nâng cấp bốn xã: Giới Phiên, Phúc Lộc, Văn Phú, Tân Thịnh trở thành phường.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố tập trung mở rộng không gian nội thị sang bên hữu ngạn qua cầu Tuần Quán và cầu Bách Lẫm, xây dựng khu nội thị mới tại khu vực xã Giới Phiên và xung quanh, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước, tạo tiền đề thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh quy mô lớn.
Ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái khẳng định: "Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố chọn ngành thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nên thời gian tới, thành phố sẽ tận dụng, phát huy lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, trong đó có cầu Bách Lẫm để phát triển các dịch vụ vận tải - logistic, từng bước đưa thành phố trở thành trung tâm phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch của tỉnh gắn với triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển thương mại, dịch vụ giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Thành phố cũng sẽ tập trung thu hút phát triển các dịch vụ kinh doanh thương mại theo mô hình hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị... Đồng thời, huy động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ, thương mại, hình thành các khu, cụm thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí, siêu thị, khách sạn, nhà hàng theo hướng đạt chuẩn sang phía hữu ngạn sông Hồng”.
Nắng buông xuống lòng sông  lung linh ngàn tia sáng, dưới chân đồi chùa Bách Lẫm, một nhóm các bà thảnh thơi chuyện trò râm ran. Đã biết tin cầu Bách Lẫm thông xe, các bà rôm rả hẳn: "Chúng tôi rủ nhau nhất định sáng mai sẽ lên cầu dự lễ. Cây cầu xây xong đẹp quá, cảnh quan đô thị thành phố ngày càng đẹp hơn. Khu ngoài này chắc rồi cũng sẽ nhộn nhịp không kém khu trung tâm Km 5 thành phố, mọi người phấn khởi và tự hào”.
Cầu Bách Lẫm là một trong mười công trình trọng điểm của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 đang dần hiện thực hóa những điều Bác Hồ căn dặn cách đây 60 năm khi Người thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018). Cây cầu như một giấc mơ đẹp trong khát vọng của người dân đôi bờ. Giấc mơ đẹp có thật bởi tầm nhìn tương lai, sự năng động, nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo quan tâm chăm lo đời sống, nguyện vọng của nhân dân cùng với người dân thành phố sẵn sàng góp sức vì lợi ích chung cộng đồng. Lời hứa năm xưa với Bác kính yêu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đang mỗi ngày thêm những giá trị, ý nghĩa cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xem thêm phóng sự video của Báo Yên Bái (Thực hiện Đức Toàn - Mạnh Cường):

Bách Lẫm - nhịp cầu nối những bờ vui

Bài viết liên quan